Trong quá trình học cách sử dụng WordPress, mình khuyến khích các bạn nên thực hành trên localhost trước khi mua tên miền và hosting. Trong bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách cài đặt localhost với XAMPP để học WordPress.
Localhost là gì?
Hiểu đơn giản thì localhost được ghép từ hai chữ “local” và “host“. Local tức là máy tính của bạn còn Host là máy chủ. Suy ra localhost là một máy chủ hoạt động trên chính máy tính của bạn.
Tại sao ở đầu bài viết mình lại khuyến khích các bạn sử dụng localhost trước khi mua tên miền và host?
Để một localhost có thể chạy được mã nguồn WordPress thì cần nhiều ứng dụng đi kèm như:
- Apache: Đây là phần mền webserver thông dụng nhất hiện nay.
- PHP: Vì WordPress được viết bằng ngôn ngữ PHP nên cần phần mềm PHP để xử lý các dòng lệnh PHP.
- MySQL Server: Để lưu trữ và xử lý cơ sở dữ liệu(database), do WordPress sử dụng MySQL làm nền tảng cơ sở dữ liệu.
- PHPMyAdmin: Để xem và quản lý cơ sở dữ liệu MySQL.
Tới đây chắc các bạn cũng hiểu tại sao rồi chứ?
Bạn đã tự tin với khả nằng của mình, hãy đọc bài viết này ngay: Cách tạo website WordPress A -> Z
Cùng tìm hiểu về XAMPP và ưu nhược điểm của nó trước khi cài đặt localhost nhé.
XAMPP là gì?
Như mình đã nói ở trên, để website của bạn hoạt động mà không cần Website và Domain thì bạn cần 1 localhost. Vậy XAMPP là gì?
XAMPP là chương trình tạo web server trên các hệ điều hành Linux, MacOS, Windows, Cross-platform, Solaris.
XAMPP là viết tắt của 5 từ là Cross-Platform (X), Apache (A), MariaDB (M), PHP (P) và Perl (P). Và đây cũng chính là 5 phần chính giúp XAMPP có thể hoạt động.
Nhìn chung, XAMPP được coi là một bộ công cụ hoàn chỉnh dành cho lập trình viên PHP trong việc thiết lập và phát triển các website.
Các phần mềm được tích hợp trong XAMPP
XAMPP được tích hợp các phần mềm sau:
- Apache
- MariaDB
- PHP
- phpMyAdmin
- OpenSSL
- XAMPP Control Panel
- Webalizer
- Mercury Mail Transport System
- FileZilla FTP Server
- Tomcat
- Strawberry Perl
Tùy từng phiên bản XAMPP khác nhau, các phiên bản phần mềm cũng sẽ khác nhau đôi chút.
Ưu nhược điểm của XAMPP
Tìm hiểu ưu điểm của XAMPP là gì?
Hiện nay, XAMPP được sử dụng rộng rãi nhờ các ưu điểm sau:
- XAMPP chạy được trên tất cả các hệ điều hành: Từ Cross-platform, Window, MacOS và Linux.
- Có nhiều chức năng hữu ích: Giả lập Server, Mail Server và hỗ trợ SSL trên Localhost.
- Mã nguồn mở: Không như Appserv, XAMPP có giao diện quản lý khá tiện lợi. Nhờ đó, người dùng có thể chủ động bật tắt hoặc khởi động lại các dịch vụ máy chủ bất kỳ lúc nào.
- XAMPP tích hợp nhiều môi trường và phần mềm: Apache, PHP, MySQL(Hỗ trợ tạo web sever hoàn chỉnh)
Tìm hiểu nhược điểm của XAMPP là gì?
Bất kỳ phần mềm nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu của nó. Nếu so với WAMP thì XAMPP có hơi thua thiệt một chút về khoản lựa chọn module hay Version cho từng thành phần.
Về phần này, WAMP làm tốt hơn khi cho phép người dùng lựa chọn phiên bản cho từng thành phần của server như PHP, Apache, MySQL.
Về mặt dung lượng, XAMPP cũng tiêu tốn của bạn khá nhiều bộ nhớ. File cài đặt của XAMPP có dung lượng lên tới 141Mb trong khi WAMP chỉ vỏn vẹn 41Mb.
Lưu ý trước khi cài đặt localhost với XAMP
Xoá toàn bộ ứng dụng liên quan tới localhost
Nếu như trước đây bạn đã từng cài các phần mềm liên qua đến localhost như PHP, MySQL thì hãy xóa hết. Việc làm này sẽ tránh được lỗi do xung đột khi bạn cài đặt XAMPP.
Đổi port mặc định của Skype
Một số bạn sẽ gặp tình trạng localhost không hoạt động nếu cài chung với phần mềm Skype. Lý do là Skype đã chiếm cổng mạng mặc định của webserver(cổng 80)
Do đó, hãy mở Skype -> Tools -> Connection Options -> bỏ chọn phần “Use port 80 and 443…..” Cuối cùng bạn chỉ cần nhập một cổng bất kỳ và lưu lại. Sau này, Skype sẽ sử dụng cổng này để hoạt động nên không ảnh hướng đến localhost.
Sửa xong, hãy khởi động lại máy để hoàn tất.
Tắt tường lửa
Một trường hợp cũng rất hay gặp là các phần mềm Antivirus hay tường lửa của Windows sẽ chặn cổng 80 hoặc các ứng dụng webserver.
Vì vậy hãy tắt nó đi để đảm bảo localhost sử dụng XAMPP có thể hoạt động mượt mà nhất.
Tắt UAC trên Windows
Giải thích qua một chút về chức năng UAC – User Account Control trên là một tính năng bảo mật của Windows giúp ngăn chặn các thay đổi đối với hệ điều hành.
Do đó, hãy tắt nó đi khi dùng localhost để tránh các vấn đề xảy ra do bị giới hạn quyền.
Tìm cách tắt trên Google
Hướng dẫn cài đặt localhost với XAMPP
Hai hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Windows và Linux. Vì vậy mình sẽ hướng dẫn cài đặt XAMPP trên hai hệ điều hành này.
Cài đặt XAMPP trên Windows
Bước 1: Download XAMPP về máy tính theo địa chỉ https://www.apachefriends.org/download.html
Bước 2: Sau khi tải file cài đặt, chạy file cài đặt lên và nhấn NEXT.
Bước 3: Lựa chọn các gói phần mềm muốn cài đặt
Nếu bạn muốn cài WordPress trên XAMPP, bạn bắt buộc phải chọn các phần mềm sau: MySQL, Apache, PHPMyAdmin
Còn mình cứ chọn full cho nó chắc ăn 🙁
Bước 4: Chọn đường dẫn cài đặt XAMPP.
Bạn có thể lựa chọn bất kỳ đường dẫn nào, tuy nhiên mình khuyên bạn nên để mặc định là c:/xampp. Vì khi cài đặt WordPress lên localhost bạn sẽ phải thường xuyên truy cập thư mục này.
Sau khi lựa chọn xong, tiếp tục nhấn Next
Ở trang kế tiếp, bạn bỏ chọn phần “Learn more about Bitnami for XAMPP“. Và ấn Next 2 lần nữa để bắt đầu quá trình cài đặt XAMPP.
Bước 5: Sau khi cài xong, ấn nút Finish để kết thúc cài đặt và mở bảng điều khiển của XAMPP.
Để tránh trường hợp gặp lỗi khi khởi động XAMPP, bạn hãy khởi động lại máy sau khi cài đặt nhé.
Cách cài đặt XAMPP trên Linux
- Bước 1: Download XAMPP cho Linux tại đây.
- Bước 2: Chọn file
xampp-linux-x64-7.4.9-0-installer.run
trong file cài đặt bằng lệnh sau:
Đầu tiên thêm quyền thực thi cho file cài đặt
cd thu_muc_chua_file_cai_dat/
sudo chmod +x xampp-linux-x64-7.4.9-0-installer.run
Chọn cài đặt với quyền sudo.
sudo ./xampp-linux-x64-7.4.9-0-installer.run
Nhấn Next để cài đặt.
- Bước 3: Cài đặt giống với phiên bản Windows
Tạo môi trường Localhost với XAMPP
Để khởi động localhost, bạn phải bật bảng điều khiển của XAMPP lên. Bạn hãy vào thư mục c:xampp và mở file xampp-panel.exe lên.
Hãy chú ý đến hai ứng dụng Apache và MySQL có nút Start, tức là 2 ứng dụng này chưa được khởi động. Hãy khởi động Webserver Apache và MySQL Server bằng cách ấn vào nút Start của từng ứng dụng để localhost có thể hoạt động.
Nếu cả hai ứng dụng chuyển sang màu xanh như hình dưới là đã khởi động thành công.
Bây giờ bạn có thể truy cập website với địa chỉ là http://localhost hoặc 127.0.0.1 sẽ thấy nó hiển thị ra trang giới thiệu XAMPP như hình dưới.
Ở bài sau, mình sẽ hướng dẫn chi tiết cách tạo domain ảo trên XAMPP với chức năng virtual host trong XAMPP.
Hướng dẫn sử dụng XAMPP cơ bản
1. Làm việc với thư mục và tập tin
Nghe có vẻ đơn giản nhưng việc này khá quan trọng. Vì sau này bạn sẽ thường xuyên làm việc với thư mục htdocs.
- Đầu tiên, vào thư mục C:xampphtdocs và tạo một thư mục với tên “quyenduongit“, đây sẽ là thư mục chứa website của mình.
- Bây giờ bạn có ra trình duyệt và truy cập theo đường dẫn http://localhost/quyenduongit
Như vậy, thư mục C:xampphtdocsquyenduongit chính là thư mục gốc của tên miền http://localhost/quyenduongit
- Khi copy một folder hay tập tin bất kỳ vào C:xampp/htdocs/quyenduongit, tệp tin vừa copy đó cũng sẽ xuất hiện trong https://localhost/quyenduongit
Và tương tự, khi bạn cài đặt WordPress trên XAMPP, các thư mục và file trong đó cũng sẽ được phân theo một cấu trúc nhất định.
2. Tạo cơ sở dữ liệu MySQL (Database)
Để chạy được WordPress trên localhost thì bạn cần một database dùng MySQL. Đây sẽ là nơi lưu các dữ liệu của website như post, page và các thiết lập khác.
Để cấu tạo nên database, chúng ta cần 3 thành phần chính sau
- Tên user của database.
- Mật khẩu của user database.
- Tên database.
Cách tạo database trên localhost mình đã có hướng dẫn chi tiết tại đây, bạn có thể vào xem.
Tổng kết
Đó là tất cả những gì bạn cần biết về localhost. Những kiếm thức này sẽ đi theo bạn trong suốt quá trình làm việc với Website. WordPress cũng không ngoại lệ, trong series WordPress căn bản này mình sẽ thực hiện mọi thứ trên localhost.
Sau này, khi website đã hoàn thiện và up lên hosting. Nếu bạn muốn thêm bất kỳ chức năng nào cho website chính của mình thì hãy thử nghiệm trên localhost để tránh những lỗi không mong muốn.
Chúc các bạn thành công!